Lược sử chùa cao

Lược sử chùa cao

Theo dấu tích khảo cổ, tìm hiểu về Bình Lục xưa

Lịch sử phát triển địa chất lãnh thổ huyện Bình Lục gắn liền với lịch sử phát triển địa chất tỉnh Hà Nam, vùng Ninh Bình và vùng đồng bằng sụt võng Hà Nội. Từ trước đến nay, cư dân Bình Lục trong quá trình khai thác đồng bằng để sản xuất nông nghiệp đã tạo ra hệ thống sông đào và kênh mương dày đặc.

Điều kiện tự nhiên nổi bật với hệ thống sông ngòi dày đặc, chia cắt huyện thành các ô trũng. Phía Bắc huyện là sông Châu bao bọc, phía Nam là sông Ninh uốn mềm như dải lụa. Theo các nhà sử học, sông Ninh là con đường nước quan trọng, một đầu nối với sông Đáy (ở địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), một đầu hợp lưu với sông Châu (ngã ba Yên Bài, xã Đồng Du, Bình Lục) rồi đổ vào sông Hồng.Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều nhánh sông nhỏ như: sông Sắt, sông Bình Điền, sông Vĩnh Tứ kết nối liên hoàn… giúp cho giao thông đường thủy rất thuận lợi.

Từ hàng nghìn năm trước, mảnh đất Bình Lục đã có người Việt cổ sinh sống. Minh chứng là sự tồn tại của các di vật thuộc văn hóa Đông Sơn.

Dấu chân tiền nhân thời tiền – sơ sử

Qua các lần thám sát của các nhà khảo cổ học cho thấy: thời kỳ Hùng Vương, Bình Lục là một vùng đất phát triển. Cư dân nơi đây đã có những tiến bộ trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt cộng đồng gắn liền với thời đại đồ đồng, với nền văn hóa Đông Sơn và nền văn minh lúa nước, cách ngày nay khoảng 2.500 năm.

Bình Lục là huyện có số lượng trống đồng, thạp đồng được phát hiện đứng hàng thứ hai trong tỉnh. Cụ thể, toàn tỉnh có 19 trống đồng thì Bình Lục có 7 chiếc chiếm tỉ lệ 1/3 (xã Ngọc Lũ 3 chiếc, xã An Mỹ, xã Vũ Bản, xã An Lão và xã An Nội mỗi nơi 01 chiếc).Thạp đồng toàn tỉnh phát hiện 9 chiếc trong đó huyện Bình Lục có 02 chiếc. Đặc biệt, trống đồng Ngọc Lũ có niên đại cổ nhất và đẹp nhất trong toàn quốc, được phát hiện khoảng năm 1893 – 1894, xếp vào loại H1-Heger, là hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng khu vực Đông Nam Á. Trong hàng ngàn chiếc trống được phát hiện từ trước đến nay, trống đồng Ngọc Lũ vẫn là chiếc trống có kiểu dáng và kích thước hài hòa, đề tài trang trí đẹp và phong phú nhất, phản ánh nhiều nét đặc trưng văn hóa của cư dân Lạc Việt. Hiện trống đồng Ngọc Lũ đang được lưu trữ theo chế độ Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Năm 1995 Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hiệp Quốc đã tặng một phiên bản trống đồng Ngọc Lũ I cho Liên Hiệp Quốc.

Tại núi Nguyệt Hằng, xã An Lão (núi có nhiều tên gọi khác nhau, tên phổ biến nhất là núi An Lão- theo tên làng, Tượng Sơn- theo hình dáng núi gống con voi, Quế Sơn- tên của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đặt và Nguyệt Hằng Sơn theo tích cổ) không chỉ có giá trị về mặt thắng cảnh mà còn là một địa điểm khảo cổ học quan trọng của huyện Bình Lục. Căn cứ các nguồn tư liệu tại Bảo tàng tỉnh thì tháng 9/1985 những cơn mưa lớn gây sụt lở đất đá ở sườn phía Đông Bắc đã làm lộ ra chiếc trống đồng Đông Sơn. Chiếc trống này có hình dáng cân đối, hài hoà, chia thành ba phần: tang phình, thân gần đứng, chân choãi. Đường kính mặt trống chờm khỏi tang 52,5 cm, cao 44,2 cm; chính giữa mặt trống là ngôi sao nổi 12 cánh, xen kẽ các cánh sao là các góc nhọn lồng vào nhau. Từ tâm trống ra ngoài có 7 vành hoa văn. Ở tang trống và mặt trống có hoa văn hình học; vạch ngắn song song và các đường chỉ trơn. Thân trống có 8 băng hoa văn vạch chéo song song. Trống có 2 đuôi quay kép, được trang trí vặn thừng tết, trống thuộc loại H1-Heger, niên đại thế kỷ III- IV trước Công nguyên.

Trong quá trình cải tạo đất trồng cây quanh núi Nguyệt Hằng, nhân dân địa phương còn phát hiện một số di vật khảo cổ học nằm trong lòng đất. Đó là một chiếc bôn đá, mảnh khuôn đúc …Căn cứ đặc điểm, cấu tạo bôn đá, mảnh khuôn đúc thì các di vật này niên đại thuộc hậu kỳ đồ sắt (cách ngày nay trên dưới 2000 năm). Phát hiện quan trọng này đã đưa ra ánh sáng di tồn của tiền nhân cùng những bằng chứng vật thể khẳng định quá trình lao động khai phá của cư dân Việt cổ. Qua đó minh chứng, cách đây hàng nghìn năm trước, vùng đất này rất màu mỡ với hệ thống sông ngòi dày đặc, thuận lợi để phát triển nghề trồng lúa nước. Hệ sinh thái – sản xuất này là nền tảng cho các lớp văn hóa thời tiền Đông Sơn và Đông Sơn phát triển nối tiếp nhau.

Cùng với những di vật bằng đồng thì Hà Nam nói chung và Bình Lục nói riêng cũng là nơi phát hiện nhiều mộ cổ, mộ thuyền một trong những đặc trưng của  nền văn hóa Đông Sơn thời đại Hùng Vương. Với những di vật bằng đồng mà nổi trội là trống đồng và mộ cổ, mộ thuyền được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng như trên đất Bình Lục, là những căn cứ cho phép chúng ta hiểu được xưa kia những cư dân Hà Nam, cư dân Bình Lục sống ở thời đại Hùng Vương đã trải qua một quá trình đấu tranh gian khổ quyết liệt với những khắc nghiệt của thiên nhiên, đặc biệt là mưa, bão, lụt lội; đãchinh phục, thích ứng và từng bước làm chủ vùng đất trũng với nhiều khó khăn thử thách.

Những dấu ấn vật chất của thời kỳ lịch sử

Chùa Cao, thôn An Lão, xã An Lão

Ở Hà Nam, thời nhà Lý có 02 ngôi chùa được xây dựng đó là Chùa Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên), xây dựng trên đỉnh núi Đọi và một ngôi chùa trên đỉnh núi An Lão, huyện Bình Lục.

Tháng 7/2021, Bảo tàng tỉnh Hà Nam phối hợp Viện khảo cổ học đã tiến hành mở rộng khảo sát trên đỉnh núi An Lão. Kết quả cho thấy quy mô kiến trúc ngôi chùa Cao hiện nay khá nhỏ, gồm 3 gian, ở gian giữa là mái đá tự nhiên ăn sâu vào lòng núi.

Theo “Các tổng trấn xã danh bị lãm”, đầu thể kỷ XIX, huyện Bình Lục thuộc phủ Lỵ Nhân, trấn Sơn Nam Thượng gồm 4 tổng, trong đó núi Ngô Xá thuộc tổng Ngô Xá, núi An Lão (hay Yên Lão) thuộc tổng Mai Động. Như thế, có nghĩa là vùng đất Bình Lục (có núi An Lão) và Ý Yên (có núi Ngô Xá) đều cùng thuộc một đơn vị hành chính, chắc hẳn đơn vị hành chính này có từ thời Lý, Trần.

Qua khảo sát, tại khu vực núi An Lão đã phát hiện được một số di vật đáng chú ý. Gạch chữ nhật: màu đỏ, bị nứt, bề mặt láng mịn, có nhiều tia sét màu trắng hoặc trắng xám, không có hoa văn trang trí; dài 34cm, rộng 16,4cm, dày 5,0cm; niên đại thuộc thời Lý.Trên đường dẫn lên chùa phía bên tay trái, tức là phía Nam của núi An Lão, có một vệt ken dày các mảnh ngói lợp mái kiến trúc, trong đó có 01 mảnh ngói dương của thời Trần. Đặc điểm: màu đỏ, mặt dưới có nhiều tia sét màu trắng, kích thước tổng thể: dài 17,5cm, rộng 10,5cm, xương gốm dày trung bình từ 1,3cm đến 1,7cm, gồm 2 phần: thân (dài còn lại 13,5cm) và đuôi ngói (còn lại dài 4cm). Qua khảo sát định hình tổng thể và các di vật phát hiện được, thì có thể trên đỉnh núi An Lão vào thời Lý có di tích kiến trúc được xây dựng. Đó có thể là một di tích chùa tháp như dạng thức phổ biến của chùa tháp thời Lý. ​

*Chùa Trùng Quang, thôn An Lão, xã An Lão

Còn gọi là chùa Chợ, hay chùa An Lão, xã An Lão. Theo truyền thuyết chùa khởi dựng thời Lý và được trùng tu, tôn tạo qua các thời kỳ lịch sử. Chùa Trùng  Quang nằm cách chân Núi Quế khoảng 600m về phía Tây Nam. Qua khảo sát tại khu vực ruộng phía trước chùa, đã phát hiện được 01 chân tảng đá kê cột rất lớn, bề mặt được chạm hình bông hoa sen với 2 lớp cánh. Kích thước tổng thể: 90cm (dài)x82cm (rộng)x46cm (dày). Khối hình vuông có kích thước: 70cm x 66cm.Đường kính hoa sen: 68cm với 2 lớp cánh xen nhau, mỗi lớp có 16 cánh, kích thước cánh sen tiêu biểu: dài 10,8cm, rộng nhất 10,6cm. Chính giữa là đường tròn có đường kính 47cm, có thể suy ra đường kính cột đặt lên chân tảng cũng tương đương. Chân tảng này có niên đại thời Lý, thế kỷ XI – XIII. Như vậy, khả năng ở khu vực này có một ngôi chùa rất lớn. Một giả thiết nữa, người dân nơi đây đã cho vận chuyển các vật liệu kiến trúc tại chùa Cao mang về đây để tu bổ, kiến thiết ngôi chùa Trùng Quang.

*Đình Cả,  xóm Trung, Thôn 3, xã Vũ Bản

Thái ấp Quắc Hương là một khu vực rất rộng, với trung tâm là đình Cả và các địa danh ở cánh đồng phía trước, gồm: Cột cờ, Lá Cờ, Cột Ngựa, Chân Thành Ngoại, Chân Thành Nội, con Quy… Tuy nhiên, các di vật được nhận thấy tập trung ở khu vực đình Cả, cách sông Ninh về phía Đông khoảng 500m. Theo truyền thuyết, đình Cả được xây dựng trên nền nhà cũ của Trần Thủ Độ, được xây dựng ngay sau khi ông mất, nằm ở địa thế cao và rộng. Mặt bằng tổng thể đình có hình chữ Tam, quay chính Nam. Gian chính giữa có bức đại tự “Nguyên đế Trần triều”. Dấu tích kiến trúc hiện nay cho thấy đình được trùng tu lớn vào thời Nguyễn (từ thời Duy Tân đến thời Bảo Đại).

Trong đình còn lưu giữ được 2 hiện vật của thời Trần (thế kỷ XIII – XIV) được phát hiện ở sườn phía Tây của đình. Cả 2 hiện vật đều là một phần của viên ngói úp:

Ngói úp nóc có gắn lá đề và Lá đề trang trí chim phượng. Các di vật thuộc loại hình ngói úp của thời Trần ở khu vực đình đã cho thấy khả năng dưới lòng đất nơi đây vẫn còn chứa đựng nhiều dấu tích của thời Trần.Đặc biệt, tại di tích vẫn còn đôi sấu đá, đặt 2 bên thành bậc cửa chính tiền đường. Theo các nhà nghiên cứu đôi sấu đá có niên đại thời Trần.

*Phủ Vũ, Xóm Tiền, xã Vũ Bản

Phủ Vũ hay chùa Đại Vũ, quần thể di tích này bao gồm các công trình kiến trúc: Phủ Vũ nằm về phía tay trái theo hướng từ ngoài vào, quay hướng chính Nam, thờ Thiềm Hoa Công chúa (công chúa thời Lý), An Quốc Đại Vương (Đào Cam Mộc) là chồng của công chúa Thiềm Hoa và Cự Việt Tín Hầu.Chùa Đại Vũ có mặt bằng hình chữ Nhất xoay dọc, từ mặt nền đến thượng lương cao 4,25m, hệ thống tượng thờ được bố trí cao dần vào phía trong.Kết cấu gồm 5 gian, theo trật tự từ ngoài vào trong, từ gian 1 đến gian 4, rộng trung bình từ 1,85m đến 1,89m, gian 5 rộng nhất là 2,36m. Mỗi vì kiến trúc có 4 chân cột. Khoảng cách từ 2 cột cái rộng trung bình 2,37m, khoảng cách từ cột cái đến cột quân từ 1,27m đến 1,32m.Toàn bộ có 24 chân tảng đá kê cột, trong đó 10 chân tảng đá được chạm khắc trang trí hoa sen. Theo đặc điểm mỹ thuật, trong số các chân tảng chạm hoa sen, có 2 chân tảng thời Lý, 8 chân tảng cánh sen thời Trần.

Như vậy, chùa Đại Vũ trong lần tu sửa lớn nhất ở thời Nguyễn đã tận dụng chân tảng đá kê cột của nhiều thời kỳ khác nhau. Đồng thời có thể khẳng định khu vực Phủ Vũ – chùa Đại Vũ trong lịch sử đã có các công trình kiến trúc của thời Lý và thời Trần được xây dựng, quy mô và kích thước lớn. Dẫu không còn tồn tại, nhưng sự hiện diện của các chân tảng đá kê cột trong kiến trúc chùa Đại Vũ và một số vị trí trong khuôn viên có thể nhận định: dưới lòng đất, chắc chắn sẽ còn nền móng của công trình kiến trúc thời Lý, Trần.

Qua kết quả điều tra, khảo sát một số địa điểm di tích trên địa bàn huyện Bình Lục đã nhận diện được phần nào tiến trình lịch sử văn hóa của huyện Bình Lục, đóng góp vào tiến trình lịch sử của dân tộc. Trên phương diện khảo cổ học, vùng đất Bình Lục vẫn còn ở dạng tiềm năng, cần phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực hiện trong nhiều năm để từ đó cung cấp thêm nguồn tư liệu mới chân xác, tiến tới đánh giá tổng thể khách quan lịch sử văn hóa Bình Lục nói riêng và Hà Nam nói chung  trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam.​